Hãy chăm sóc mẹ — Yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương

Review Sách
10 min readNov 20, 2019

Cuốn sách gây nhiều cảm động và ám ảnh này đã đưa tên tuổi Shin Kyung-Sook trở thành một hiện tượng của văn học Châu Á. Tác phẩm bán được hàng triệu bản ra thị trường, được giới phê bình đánh giá cao và xuất bản tại 19 nước trong đó có Mỹ.

Hãy chăm sóc mẹ bắt đầu câu chuyện từ việc người mẹ nông thôn ra thành phố thăm con nhưng lại đi lạc. Hình ảnh của người mẹ ấy lần lượt hiện lên qua ký ức của những người thân, của người chồng và những đứa con một cách đầy cảm động và day dứt. Không chỉ là câu chuyện về một người mẹ, về một gia đình, cuốn sách còn khắc họa được những cảnh sắc, những phong tục tập quán và cả những quan điểm còn hà khắc đối với người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc xưa.

Anh: reviewsach.net

Chân dung của một người mẹ.

Mỗi người phụ nữ trên thế giới này, mỗi người là một hoàn cảnh xuất thân, một xuất phát điểm khác nhau, một cá tính riêng biệt … Nhưng khi đã trở thành mẹ, họ đều tràn đầy yêu thương, dịu dàng, sẵn sàng hi sinh và cũng luôn thường trực thật nhiều lo lắng.

Người mẹ trong tác phẩm này cũng vậy, lúc nào bà cũng loay hoay trong căn bếp nhỏ của mình, lo từ bữa sáng, bữa trưa rồi đến bữa chiều. Khi nhà hết gạo, không còn tiền mua thức ăn, đóng học phí cho con thì bà tìm đủ mọi cách để buôn bán, “nghĩ cách kiếm thêm tiền ngoài làm ruộng”. Mẹ lấy toàn bộ số lúa mì thu hoạch được từ ngoài đồng về làm mạch nha lên men. “Không ai thích cái mùi ấy, nhưng mẹ bảo đó là mùi của tiền”. Bất cứ khi nào trở về nhà, chỉ cần người chồng gọi: “Tôi về rồi đây” là ngay lập tức vợ ông sẽ thò đầu ra từ đâu đó trong ngôi nhà này.

Nhờ những đức tính đảm đang, dịu dàng và sẵn sàng hi sinh vì chồng, vì con mà người phụ nữ được ví như “người giữ lửa trong gia đình”. Đối với họ, “một ngôi nhà sẽ trở nên đẹp đẽ hay xa lạ tùy thuộc vào người sống trong ngôi nhà ấy, tùy thuộc vào sự chăm sóc của chủ nhân.”

Mẹ là người có một trái tim rất lớn. Một đứa con sinh ra là tình yêu của mẹ cũng đồng thời được sinh ra để dành cho nó. Tình yêu của mẹ dù có bao nhiêu người con cũng sẽ không bị san bớt đi, cũng chẳng bao giờ có việc yêu đứa này ít, yêu đứa kia nhiều. Chỉ là cách yêu của mẹ với mỗi đứa có thể sẽ khác nhau.

Với người mẹ trong cuốn sách này đôi khi độc giả dễ nhầm lẫn rằng, mẹ quá chăm lo, quá kỳ vọng cũng quá yêu thương người anh cả. Mẹ luôn dành miếng ăn ngon cho anh, mẹ bắt em gái gái quỳ xuống xin lỗi anh … Nhưng tất cả chỉ bởi mẹ suy nghĩ rằng “Người anh cả phải sống cho có phẩm cách. Người anh cả phải làm gương cho em. Nếu anh cả đi sai đường, thì những đứa em cũng sẽ đi theo con đường đó.”. Với mẹ, người anh cả có quá nhiều trách nhiệm. Nên mẹ cũng nghiêm khắc nhất, yêu thương nhất.

Đôi khi mẹ đã tỏ ra thật cứng nhắc khi không hề vui mừng vào ngày anh cả thi đỗ trong kỳ thi tuyển nhân viên và được làm việc ở một tập đoàn lớn nhất nước. Mẹ còn nhớ giấc mơ trở thành Công tố viên từ thủa nhỏ anh đã hứa với mẹ. Nhưng không phải bởi mẹ cứng nhắc. Anh cả chỉ nghĩ đó là giấc mơ không thành của tuổi trẻ. Nhưng anh không nhận ra ước mơ từ thơ bé của anh đã trở thành chính ước mơ của mẹ. Đến khi mẹ không còn bên cạnh “anh nhận ra rằng, suốt cả đời mẹ luôn tin chính mẹ là người đã làm vướng bận khiến anh không thể đạt được ước mơ của mình”. Mẹ đã dành rất nhiều yêu thương cho anh, nhưng lại chưa bao giờ tha lỗi cho bản thân vì đã đặt nhiều trách nhiệm lên vai anh. Mẹ xin lỗi anh vì anh mua nhà mà mẹ chẳng giúp được gì. Mẹ luôn nghĩ rằng chẳng giúp được gì cho con trong khi đã nuôi con cả một đời cực khổ.

Bức tranh người phụ nữ nông thôn Hàn Quốc xưa.

Người phụ nữ thường được mệnh danh là “phái yếu”. Đã là phải yếu thì nhất định phải nhận được nhiều che chở và yêu thương. Nhưng điều đẹp đẽ đó chỉ xảy ra ở một thời đại tiến bộ, một đất nước coi trọng quyền bình đẳng. Còn ở những nước Châu Á như Hàn Quốc và đặc biệt còn ở một thời đại cũ nhiều những quan điểm hà khắc với phụ nữ thì những con người của “phái yếu” đó luôn là những người phải chịu thiệt thòi trước tiên. Người mẹ trong tác phẩm chính là một phần hình ảnh khắc họa lên bức tranh ấy.

Mẹ đã không có điều kiện để được tiếp xúc với con chữ và thời bấy giờ cũng chẳng ai chú trọng tới điều đó. Bởi vì họ còn thiếu cái ăn, cái mặc. Nếu có thể cũng chỉ là ưu tiên cho con trai được đi học. Bởi nhược điểm đó của mình mà mẹ luôn cảm thấy xấu hổ với chồng con. Mẹ có một cô con gái là nhà văn, nhưng lại chẳng thể đọc tác phẩm của con mình. Mẹ đã phải nhờ người quen đọc cuốn tiểu thuyết của con gái. Mẹ không thể nói nữ tác giả chính là con gái của mình, “mà lại nói do mắt mình kém nên mới đề nghị cô ấy đọc to lên cho bà nghe”. Mẹ đã kiềm chế bao nhiêu để không khoe về con gái mình.

Người phụ nữ nông thôn trong xã hội cũ, họ không được sống theo cách họ muốn, không thể sống vì bản thân. Họ phải đi theo con đường được định sẵn và khi đã lấy chồng thì phải một lòng đi theo, dù đó không phải là người đàn ông mình yêu, dù đó là một người đàn ông rất tệ bạc. “Người phụ nữ ấy đã phải quên đi niềm vui được sinh ra trên cuộc đời này, quên đi tuổi thơ và những ước mơ, lấy chồng trước cả khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sinh năm đứa con và nuôi nấng chúng”.

Mẹ đã không thể nói rằng mẹ ốm, mẹ mệt. Bởi “vì phải chăm sóc cho mọi người trong gia đình, mẹ trở thành một người không được phép ốm”. Mẹ lo lắng cho con gái khi con phải đi công tác xa trên máy bay. Nhưng mỗi khi con trở về, mẹ đều hỏi rất kỹ về nơi con đã tới. Niềm háo hức như một đứa trẻ ấy của mẹ bởi vì mẹ không bao giờ được đi đâu xa khỏi mảnh đất mẹ sinh ra, nơi mẹ lấy chồng và sinh ra những đứa con.

Là một người phụ nữ trong gia đình, mẹ đã phải gánh vác trên vai quá nhiều trách nhiệm. Một năm có rất nhiều những ngày lễ, ngày giỗ … đều một tay mẹ chuẩn bị. Vào ngày lễ tạ mùa đông, “tiết trời lạnh giá đến mức nước vừa đổ vào xoong đã đóng thành băng”, mẹ và con gái vẫn phải ngồi lột da cá đuối một cách vất vả mà không có sự giúp đỡ của một người đàn ông khỏe mạnh nào trong gia đình. Rồi một năm, thấy thương bàn tay nhỏ bé lạnh cóng của con mà mẹ đã không làm theo tục lệ thông thường. Dù sau đó mọi xui xẻo trong năm đều đổ dồn cho mẹ từ việc khi thấy cây hồng trước sân không ra quả, khi anh trai cô chơi khăng bị con khăng đập vào mắt, khi bố phải nằm viện ….

Mẹ đã nói rằng: “Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm dù thích hay không”. Chưa ai từng quan tâm rằng mẹ có thích những công việc mỗi ngày mình làm không? Hình ảnh của người phụ nữ thời kỳ ấy gắn với gian bếp, họ không có quyền lựa chọn, cũng chẳng ai quan tâm họ có muốn sống một cuộc sống như vậy không. Dường như cả xã hội đã mặc định hình ảnh ấy, cuộc sống ấy cho người phụ nữ.

“Mỗi lúc cảm thấy gian bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên rồi dùng hết sức ném bốp vào tường”. Mẹ chỉ có thể làm vậy, nhẫn nhục và hi sinh bởi không ai đứng về phía mẹ, bởi mẹ phải dành mọi tốt đẹp cho chồng, cho con của mẹ.

Những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Mẹ cho phép mình được yếu lòng. Mẹ cũng cần một vòng tay ôm, một cái nhìn thấu hiểu và những chăm sóc ân cần như những khi mẹ còn nhỏ, như những khi còn có mẹ của mình. Người mẹ lo lắng nhất khi ra đi cũng là cô con gái út- đứa con bận bịu suốt ngày với những đứa trẻ rất giống hình ảnh của mẹ những ngày xưa.

Sự hy sinh của người phụ nữ thường được dùng rất nhiều mỹ từ để nói về nó. Đó là bản năng, đó là thiên chức, đó là trách nhiệm … Thế nhưng thực ra sự hy sinh cũng là một sự lựa chọn. Và đã lựa chọn thì nhất định có những đánh đổi. “Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ, và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy.”

Hãy yêu thương chừng nào còn có thể yêu thương.

Chúng ta thường chỉ nhận ra giá trị của những điều mình từng có khi đã đánh mất nó. Khi bị lạc mất mẹ, những người con mới dành ra một khoảng thời gian luôn bận rộn của mình để nhớ về mẹ, để thực sự hiểu được mẹ đã từng vất vả, đã từng hy sinh như thế nào.

Khi đã có gia đình, đã phải trở thành một người mẹ bận rộn, người con gái út mới hiểu được ra rằng: “sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi?”.

Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình mà không đòi hỏi được đền đáp. Nhưng sự hy sinh không đòi hỏi là một cảm giác rất nặng nề. Người phụ nữ ấy sẽ luôn phải đối diện với trách nhiệm và cảm giác muốn được thoát ra, muốn được vứt bỏ.

Trong tác phẩm của mình, Shin Kyung-Sook đã xây dựng hình ảnh một người chồng có rất nhiều điều đáng trách, một người vô tâm, vô trách nhiệm với gia đình và người vợ đã dành cả đời để chăm sóc mình. Bố mang theo một cô gái về nhà khiến mẹ đau khổ phải bước ra khỏi nhà, bố đi bất cứ khi nào bố muốn, chẳng quan tâm mẹ đang phải vất vả ra sao. Những người đàn ông trong xã hội trọng nam khinh nữ đó, họ đã lớn lên trong một tư tưởng như vậy và họ không có định hướng đủ tốt để biết cách quan tâm đến những người phụ nữ xung quanh mình.

“Chỉ sau khi vợ ông biến mất, bà mới trở nên hữu hình với ông như thể cứ đưa tay ra là ông có thể chạm được vào bà”; “Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra … Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột nhất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả.”- Đó là tất cả những gì một người phụ nữ đã vất vả hy sinh cho gia đình nhận lại được từ người chồng của mình.

Mẹ đã nhận được những yêu thương, quan tâm mà mẹ xứng đáng được nhận. Chẳng có ai trong gia đình có tấm hình mới chụp nào của mẹ ngày mẹ mất tích. Một lời xin lỗi, một câu quan tâm hỏi thăm cũng chỉ là những dự định bị công việc, cuộc sống bận rộn và những thú vui riêng của bản thân những người con kéo đi. Mẹ hẳn đã chờ đợi được nghe những điều ấy, được cảm thấy mình quan trọng, mình được quan tâm.

Hãy chăm sóc mẹ không chỉ kể được một câu chuyện xúc động, không chỉ khác họa được hình ảnh những người phụ nữ Hàn Quốc của xã hội cũ. Tác phẩm còn mang đến nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy ám ảnh. Hãy chăm sóc mẹ chắc chắn sẽ khiến độc giả phải có thật nhiều những suy ngẫm, sẽ phải rơi nước mắt vì nhìn thấy hình ảnh của chính mẹ mình ẩn sau hình ảnh của người mẹ trong tác phẩm. Một cuốn sách xứng đang được nâng niu và gây ra tiếng vang đến vậy.

Xem thêm: Hãy chăm sóc mẹ — Chuyện những người đi lạc

--

--

Review Sách

Review những cuốn sách hay nhất, đặc sắc nhất #reviewsachonly